Liên hệ đến các hiện tượng khác Hiệu ứng chân lý ảo tưởng

Thuận tiện trong xử lý

Ban đầu, hiệu ứng chân lý ảo tưởng được cho là chỉ xảy ra khi các cá nhân không chắc chắn về luồng thông tin mới.[2] Các nhà tâm lý học cũng cho rằng những tiêu đề "kỳ quặc" sẽ không gây ra hiệu ứng này. (Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây lại cho thấy hiệu ứng chân lý ảo tưởng thực sự gây ra niềm tin sai lầm vào tin giả.[5])

Năm 2015, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Experimental Psychology của Lisa K. Fazio, Nadia M. Brasier, B. Keith Payne và Elizabeth J. Marsh đã đặt ra những thách thức đối với giả định trên. Nghiên cứu này cho rằng việc lặp lại những thông tin sai đã tạo nên hiệu ứng chân lý ảo tưởng, ảnh hưởng đến cả những người thực sự biết câu trả lời chính xác và khiến họ thay đổi niềm tin. Ví dụ: sau khi đọc mệnh đề "Sari là tên của chiếc váy kẻ sọc ngắn của người Scotland" nhiều lần, một số đối tượng đã tin rằng đó là sự thật, dù trước đó họ đã có thể trả lời chính xác câu hỏi "Tên chiếc váy xếp nếp truyền thống của vùng Scotland là gì?".[7]

Sau khi tái hiện thí nghiệm trên và thu về cùng kết quả, Fazio và cộng sự của cô cho rằng hiện tượng kỳ lạ này là hệ quả của thuận lợi trong xử lý, cơ sở nhận thức thông tin ở người. Nhóm nghiên cứu giải thích: "Sự lặp lại khiến các mệnh đề được xử lý dễ dàng hơn (thuận lợi) so với các mệnh đề mới và (đôi khi) dẫn người ta đến kết luận sai lầm rằng chúng đáng tin hơn."[7][8] Khi một người tiếp xúc điều gì đó lần thứ hai hoặc thứ ba, não của họ sẽ phản ứng nhanh hơn và quy kết sai sự thuận lợi đó là dấu hiệu của sự thật.[9]

Thiên lệch nhận thức muộn

Trong một nghiên cứu năm 1997, Ralph Hertwig, Gerd Gigerenzer và Ulrich Hoffrage cho rằng hiệu ứng chân lý ảo tưởng và sự gợi nhớ sai lầm mức độ tự tin sau khi nhận biết sự thật, hay thiên lệch nhận thức muộn, có liên quan đến nhau. Theo họ, hiệu ứng chân lý ảo tưởng (cách gọi của họ: "hiệu ứng nhắc lại") là một tập hợp con của thiên lệch nhận thức muộn.[10]